Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ, virus corona (nCoV) lây từ người sang người qua 3 con đường: Do người bệnh ho phát tán virus vào không khí phạm vi 3m (con đường chủ yếu); Bắt tay và tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh; Tiếp xúc với bề mặt có chứa virus, sau đó chạm vào mũi, mắt, và miệng.
Hiện không có vắc-xin để ngăn ngừa nhiễm trùng nCoV. Cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng là tránh tiếp xúc với virus này.
Để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, người dân cần áp dụng một số hành động phòng ngừa hàng ngày như sau:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.
- Dùng khăn giấy che miệng mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác.
- Hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay bẩn.
- Không tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức
- Không ra đường khi bạn có dấu hiệu của bệnh cảm.
- Làm sạch, khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào.
Dưới đây là 5 khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Việt Nam để phòng, tránh dịch viêm phổi cấp lây lan:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.